Chào bạn,
Mình tên là Bế Minh Nhật.
Mình hiện đang sống và làm việc tại Tokyo, Nhật Bản.
Nếu bạn cần người lắng nghe và cùng bạn sắp xếp những suy nghĩ ngổn ngang trong đầu hiện tại, hãy liên lạc với mình nhé!
Mình sẽ xếp lịch hẹn và gửi link Zoom Meetings để nói chuyện trực tiếp với bạn.
Câu chuyện của bạn hay tất cả những gì bạn gửi cho mình, kể với mình sẽ được giữ bí mật tuyệt đối.
Dưới đây là một số thông tin về bản thân mình, nếu điều đó giúp bạn thấy an tâm và tin tưởng hơn nhé! ^^
- 21 tuổi, mình tốt nghiệp Đại học Ngoại thương và đi làm tại công ty logistics của Nhật tại Hà Nội. Như rất nhiều bạn trẻ khác, mình rơi vào khủng hoảng lần 1 trong cuộc đời vì công việc áp lực và sự khác biệt so với kỳ vọng của bản thân. Mình có tổng hợp thành một bài viết nho nhỏ ở đây. Bạn đọc thử nhé!
- 25 ~27 tuổi, mình sang Nhật du học chương trình Thạc sỹ Chính sách công tại trường Đại học Tokyo với học bổng ADB. Mọi chuyện tưởng là tốt đẹp cho đến khi mình tốt nghiệp ra trường và rơi vào khủng hoảng lần 2. Khi ấy mình đã lạc lối trước nhiều lựa chọn cho cuộc đời: ở lại hay đi về, học lên hay đi làm, đi làm thì đi làm công việc gì, học lên thì học như thế nào, cần thu xếp thời gian, tài chính, công việc và chuyện riêng tư thế nào...
- 28~32 tuổi, mình là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản (GRIPS) với học bổng của Quỹ Học bổng Quốc tế Hirose. Mình rơi vào khủng hoảng lần 3 với nhiều loại phức cảm yếu kém về bản thân (impostor syndrome). Mình cảm thấy không ổn với những lựa chọn của mình và tệ hơn là, mình đã không thể hoàn thành những gì mình muốn làm. Mình muốn từ bỏ nhưng mình lại không thích cảm giác mình là một kẻ thất bại, một kẻ từ bỏ ^^ những ngày tháng ấy đối với mình thật vất vả, nhưng nhìn lại cũng thật quý giá. Mình có chia sẻ ở một bài viết dài hơn ở đây. Bạn xem thử nhé!
- Từ năm 2014 đến nay, mình làm việc tại Tổ chức Phi lợi nhuận MPKEN, phụ trách tư vấn các vấn đề trong giao tiếp liên văn hóa Việt Nhật. MPKEN có rất nhiều hoạt động phi lợi nhuận để hỗ trợ cho quá trình học lên, xin việc, ổn định cuộc sống hay lớp học kỹ năng để phát triển sự nghiệp dành cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản. Công việc ở đây đã giúp mình được làm quen với nhiều bạn trẻ và được lắng nghe câu chuyện của các bạn. Chính những câu chuyện với mọi người đã giúp mình có thêm động lực bắt đầu dự án Tomorrow.Care.
- Năm 2020, mình thấy chỉ riêng với trải nghiệm của mình hay những gì mình tự học hỏi sẽ không thể đủ để giúp đỡ những người khác. Mình quyết định đi học chứng chỉ tư vấn tâm lý (mental psychological counselor) của một tổ chức tư nhân tại Nhật và sau đó bắt đầu học chương trình cử nhân Tâm lý học tại trường Đại học Mở Nhật Bản.
- Năm 2021, mình bắt đầu dự án Tomorrow.Care, đưa hoạt động hỗ trợ tâm lý online trở nên rộng rãi hơn ngoài liên kết với những người trong friend-list của mình.
Một người làm tư vấn viên tâm lý (心理カウンセラー) như mình có nhiệm vụ hỗ trợ tinh thần cho cá nhân đang gặp phải các vấn đề về tâm lý, cảm xúc và cuộc sống.
Công việc của mình thường bao gồm nhiều khía cạnh như:
1. Lắng nghe và đồng cảm
Tư vấn viên tâm lý lắng nghe một cách chủ động và không phán xét, tạo không gian an toàn để người được tư vấn có thể bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ của mình.
Đồng cảm và thấu hiểu những khó khăn mà người được tư vấn đang trải qua.
2. Hướng dẫn và gợi mở
Hỗ trợ người được tư vấn tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và giúp họ nhìn nhận tình huống từ nhiều góc độ khác nhau.
Đưa ra những câu hỏi phù hợp để giúp họ tự nhận thức và tìm ra giải pháp cho bản thân.
3. Hỗ trợ kỹ năng giải quyết vấn đề
Hướng dẫn các phương pháp quản lý căng thẳng, điều chỉnh cảm xúc, cải thiện giao tiếp và xây dựng mối quan hệ lành mạnh.
Giúp người được tư vấn rèn luyện các kỹ năng đối phó với áp lực trong cuộc sống và công việc.
4. Giúp ổn định tinh thần và động viên
Tạo động lực và giúp người được tư vấn dần tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.
Hỗ trợ họ xác định mục tiêu phù hợp và từng bước tiến về phía trước.
5. Tư vấn các vấn đề cụ thể
Tư vấn viên tâm lý có thể làm việc với nhiều đối tượng khác nhau, hỗ trợ về các vấn đề như:
Căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
Trầm cảm, lo âu, mất phương hướng.
Khủng hoảng tâm lý do thay đổi môi trường sống, văn hóa (đặc biệt với người nước ngoài).
Vấn đề gia đình, hôn nhân, nuôi dạy con cái.
Các mối quan hệ xã hội và tự tin cá nhân.
6. Hợp tác với các chuyên gia khác
Khi cần thiết, tư vấn viên có thể giới thiệu người được tư vấn đến các bác sĩ tâm lý, chuyên gia tâm thần để có hướng điều trị chuyên sâu hơn.
Làm việc với trường học, tổ chức hoặc công ty để xây dựng các chương trình hỗ trợ tinh thần.
7. Bảo mật thông tin
Tuân thủ nguyên tắc bảo mật thông tin cá nhân, giúp người được tư vấn cảm thấy an tâm khi chia sẻ vấn đề của mình.
Tóm lại, tư vấn viên tâm lý đóng vai trò như một người bạn đồng hành, giúp người khác hiểu rõ bản thân hơn, vượt qua khó khăn và tìm lại sự bình yên trong tâm hồn.
Nếu bạn thấy những nội dung trên là phù hợp với nhu cầu tâm lý hiện tại, hãy đừng ngần ngại liên lạc với mình nhé!
Tomorrow.Care hiện đang tham gia nhiều chương trình tư vấn tâm lý miễn phí do các chính quyền địa phương của Nhật tổ chức.